Mục lục [Ẩn]
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ ở tuổi dậy thì vẫn có thể gặp tình trạng này. Mất ngủ khiến trẻ mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, xao nhãng trong việc học và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy mất ngủ ở tuổi dậy thì do nguyên nhân gì? Làm sao để khắc phục? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Mất ngủ tuổi dậy thì
Nguyên nhân mất ngủ ở tuổi dậy thì
Do thay đổi hormone
Ở tuổi dậy thì, các hormone trong cơ thể thay đổi và biến động rất nhiều. Những thay đổi này làm ảnh hưởng tâm sinh lý và giấc ngủ của trẻ. Ngoài ra, não của trẻ sản xuất hormone melatonin vào ban đêm muộn hơn so với người lớn, đây cũng là một nguyên nhân khiến trẻ ngủ muộn hơn vào ban đêm và thức dậy trễ hơn vào ban ngày.
Áp lực về học hành thi cử gây ra khó ngủ tuổi dậy thì
Hiện nay, áp lực học tập thi cử của giới trẻ rất là lớn. Trẻ phải liên tục chạy đua với điểm số và thành tích. Điều này khiến trẻ thường xuyên bị căng thẳng, stress. Hệ thần kinh phải đứng trước những căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân khiến trẻ bị khó ngủ, mất ngủ ở tuổi dậy thì.
Lạm dụng thiết bị điện tử
Hiện nay, việc trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử là điều không còn quá xa lạ. Đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì, trẻ rất thích sử dụng các thiết bị này. Khoảng thời gian trẻ sử dụng điện thoại, ipad, laptop,… thường là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử khiến não bộ của trẻ nghĩ đó là ban ngày và ngăn chặn sản xuất melatonin, làm giảm nồng độ melatonin khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ, gây mất ngủ tuổi dậy thì.
Thêm vào đó, sự hào hứng, phấn khích khi chơi game khiến trẻ khó dừng lại và ngủ. Dần dần, trẻ có thể hình thành thói quen thức khuya và bị mất ngủ.
Thói quen ăn uống
Thói quen ăn quá muộn vào buổi tối, sử dụng các loại thực phẩm chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ngọt như bánh kẹo, socola, nước ngọt có gas… có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Các nguyên nhân khác
Một vài nguyên nhân khác có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ như:
- Không gian phòng ngủ: Phòng ngủ quá chật hẹp, nóng, không yên tĩnh hay không thông thoáng cũng dễ khiến trẻ bị khó ngủ, mất ngủ về đêm.
- Do bệnh lý: Một vài bệnh lý ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ dậy thì thường thấy như: Viêm da, trầm cảm, viêm đường hô hấp, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh,…
Tác hại của mất ngủ ở tuổi dậy thì
Nếu để mất ngủ ở tuổi dậy thì kéo dài, không được cải thiện có thể gây ra không ít tác hại cho trẻ như:
Trẻ bị mất ngủ thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải,...
- Làm suy nhược hệ thần kinh: Mất ngủ kéo dài làm suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của trẻ.
- Tăng nguy cơ trầm cảm: Trẻ trong giai đoạn dậy thì bị mất ngủ thường có xu hướng dễ bị kích động, tâm trạng thay đổi thất thường, suy nghĩ tiêu cực, từ đó dẫn đến trầm cảm.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Mất ngủ ở tuổi dậy thì kéo dài làm giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch ở trẻ, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch, béo phì, tâm lý…
- Nổi mụn trầm trọng hơn: Việc trẻ mất ngủ làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá. Nguyên nhân do tuyến thượng thận tăng tiết hormone cortisol gây ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã nhờn, dẫn đến mụn trứng cá.
- Trẻ cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, uể oải, lười nhác, thiếu linh hoạt khi phải tham gia các hoạt động tập thể, không muốn giao tiếp hay vui đùa với mọi người.
Cách khắc phục tình trạng mất ngủ tuổi dậy thì
Nếu được phát hiện sớm, cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ cải thiện mất ngủ bằng cách giải quyết các vấn đề tâm lý và duy trì thói quen giờ giấc sinh hoạt.
Về mặt tâm lý
Cha mẹ có thể quan tâm tới con hơn qua việc:
- Hạn chế tạo áp lực học tập cho trẻ.
- Tâm sự và trao đổi giúp con hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ, cho con biết về những tác hại của mất ngủ, khó ngủ.
- Thường xuyên trò chuyện giúp trẻ giải tỏa những khó khăn căng thẳng trong cuộc sống.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Để khắc phục tình trạng mất ngủ tuổi dậy thì, phụ huynh và trẻ cần chú ý:
- Sắp xếp lại lịch học tập phù hợp để không phải thức khuya.
- Xây dựng thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm trong ngày, kể cả cuối tuần.
- Hạn chế cho trẻ uống các loại đồ uống chứa caffeine như: Cà phê, nước tăng lực, socola,… vào buổi tối.
- Tắt hết các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad,... ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
- Tránh ngủ quá nhiều vào buổi trưa.
- Giúp trẻ được thư giãn trước giờ ngủ bằng các biện pháp như nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm,...
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức khỏe, giúp ngủ ngon hơn nhưng tránh vận động mạnh gần giờ ngủ.
Tắt thiết bị điện tử trước 1 giờ trước khi đi ngủ
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng mất ngủ tuổi dậy thì. Mất ngủ ở tuổi dậy thì là điều bình thường và có thể cải thiện. Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì nên đi khám để được bác sĩ hoặc chuyên gia hỗ trợ và điều trị đúng phương pháp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: